Translate

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Bánh cuốn Hải Phòng

Tranh thủ 3 ngày về Hải Phòng công tác, mình muốn viết ít nhất 3 entry về ẩm thực ở đây. Bài này là viết về bánh cuốn Hải Phòng. Sở dĩ ngon cũng vì chất lượng bột, như bài trước viết về sủi dìn đã nói, "có bột mới luộc nên bánh" được.
Ở Hà Nội bánh cuốn Thanh Trì cũng nổi tiếng và khá ngon, tuy nhiên cách làm lại không bằng ở Hải Phòng. Có một điểm chung giữa Thanh Trì và Hải Phòng đó là bánh cuốn phải là bánh cuốn chay.
Bột bánh cuốn được pha sẵn trong nồi. Khi làm bánh, người ta sử dụng một cái nồi nước sôi được bọc bằng vải mỏng ở miệng nồi. Bánh được cho lên đó, dùng cái muôi to dàn mỏng bột và đậy vung lại hấp chín. Lấy bánh xuống, cho lên một cái rá úp ngược để cắt bánh cho đỡ dính và nát bánh. Đĩa bánh to ú hụ, rắc thêm chút hành khô và ruốc, nhìn thôi đã thấy thích mắt.
Cũng giống như bún chả, khâu pha chế nước chấm là bí quyết mỗi nhà và là việc quyết định đến sự ngon hay dở của món bánh cuốn. Bát nước chấm pha vừa miệng, thoang thoảng vị thơm hăng của tinh dầu cà cuống và cay cay của hạt tiêu. Thêm miếng chả quế thái xeo xéo và viên chả xá xíu (cái này cũng đặc biệt, chỉ Hải Phòng mới có), ăn bùi bùi thơm thơm đúng kiểu Quảng Đông.
Bánh cuốn cũng giống như các món quà quê giản dị khác, có tể ăn vào buổi sáng, trưa, chiều tối, thậm chí cả đêm khuya… Ngồi ăn đĩa bánh cuốn cùng một vài người bạn, nhâm nhi ly trà nóng và nhìn cảnh thanh niên Hải Phòng đi xe máy đuổi chém nhau, mấy chục thằng thanh niên cầm mã tấu và kiếm rê theo mép đường… chợt cảm thấy mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi… Thầm mỉm cười và nghĩ về thời thanh niên mới lớn, khi tập tọe hút thuốc và mang dao theo người, hát nghêu ngao mấy bài nhạc vàng ở quán cà phê- karaoke hồi chỉ có 8.000 VND/ tiếng. Có những kỉ niệm tuy không mang tí văn hóa hay đạo đức nào nhưng mình vẫn không quên và vẫn muốn lưu giữ, như chút tàn tro của một thời vụng dại…
Và cùng với kỉ niệm thơ ấu, đĩa bánh cuốn cũng chợt ngon hơn và có một phong vị rất riêng… miếng bánh cuốn mịn màng như lần đầu tiên ta chạm vào làn da thiếu nữ…mịn màng, trơn mướt và man mát…

Chả mực Cát Hải - món ngon miền biển


Thiên nhiên ưu đão cho Hải phòng vùng biển Cát Hải – Cát Bà khá dồi dào nguồn hải sản, trong đó có mực tươi. Những món ăn chế biến từ mực khá đa dạng như luộc, hấp, nhúng, dấm, xào, chiên giòn. Ở dạng phơi khô lại có món mực khô xé tay chấm tương ớt, hoặc mực khô làm nhân cùng thịt nạc xay nhuyễn trong món chả chìa. Song thuộc hàng đặc sắc phải kể đến món chả mực.
Nếu mực sim, mực ống, mực nang thích hợp để chế biến các món tương sống như lẩu, hấp, nhồi thịt, xào, nhúng dấm… thì mực mai (mực lá) mình dày, thịt sáng, xúc tu hài mập lại là nguyên liệu chính của món chả mực.


Nét đặc biệt của chả mực Hải Phòng là được chế biến đơn giản và gần như ngay trước mặt người mua. Mực mai tươi vừa mang từ biển về được bóc bỏ mai và lớp da bên ngoài rồi rửa sạch, xắt ra thành những miếng mực tươi trắng ngần, khô ráo. Thêm vào mực vừa sơ chế ấy chút hạt tiêu, bột canh, hành hoa, thìa là, rau răm (cũng có người thích cho thêm lát ớt tươi màu đỏ thái chỉ cho món chả thêm bắt mắt) rồi cho vào giã. Khi mực được giã dẻo quánh, quyện chặt, người ta đem đựng trong những chậu lớn, có khi là cả một mâm đầy, rồi nặn thành những chiếc chả.
Muốn miếng chả đẹp, mỗi lần lặn không nên dùng quá nhiều mực giã. Lượng mực giã cho thành viên chả xinh xắn đều nhanh chỉ nhỉnh hơn quả trứng chim cút. Nhào qua, lăn lại trong bàn tay, miếng chả dẹt ra. Khi thả vào chảo dầu sôi sùng sục, nó phồng lên như bông hoa đang nở. Đảo đều tay, sao cho miếng chả vàng ươm hai mặt, dậy mùi thơm ngậy của mực tươi và gia vị. Vớt chả để ráo, không cái nào vỡ nát hoặc bị khô xác.


Chợ Lương Văn Can ở Hải Phòng tuy nhỏ, nhưng cũng tới ba hàng chả mực ngày nào cũng xay giã, rán vàng chục ký mực thành phẩm, làm “nức mũi” những người đi chợ. Theo kinh nghiệm của những chủ quán này, mực tươi để làm chả mực tuy đắt, nhưng nếu tham lãi mà dùng loại mực ươn, thịt nhão, giá rẻ hơn, thì chỉ mất khách. Bởi loại mực này vẫn làm ra chả mực, nhưng đó là thứ chả bở, không có độ kết dính. Chả mực tuy đắt hơn so với chả cá thu và một số chả khác (trung bình trên 300 nghìn đồng/kg), nhưng không phải vì thế mà nó là “món hiếm”. Trái lại, ai cũng có thể mua chả mực, còn vì sự dễ kết hợp với các món khác của chả này. Người ta ăn chả mực với xôi nóng (như ở Quảng Ninh), nhưng có khi chỉ là “món nhắm tuyệt chiêu” trong cuộc nhậu lai rai. Tiệc cưới, có thêm đĩa chả mực điểm xuyến xem là tiệc sang. Khách mua nhiều, chả mực được gói vào túi giấy xi măng, để thoải mái mà không bị ôi thiu. Mang đi biếu, đó là “miếng ngon đãi khách”…
Ăn chả mực tùy theo sở thích trong cách kèm gia vị. Có người thích chấm với tương ớt, có người lại dùng nó với nước mắm Cát Hải pha chanh tỏi, ớt tươi. Khi đưa lên miệng, miếng chả mềm sụt, ấm chân răng, đậm đà vị ngọt thơm nguyên chất của mực, đó chính là hương vị đặc trưng của chả mực Hải Phòng.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

cá niên


Món cá niên, ăn chung với rau dớn, lá lộc vừng vốn dĩ rất dân dã ở vùng rừng núi Bình Định đã trở thành món đặc sản ưa chuộng nơi phố thị. Giá cá niên vì thế cũng tăng vọt, có thời điểm lên đến 300 ngàn đồng/kg. Vì cái lợi trước mắt, không ít người đã dùng lưới, xung điện, thậm chí là thuốc nổ để đánh bắt…




 
Anh Đinh Văn Tuấn đang câu cá niên ở thác Đá Ghe, xã An Hưng.
 
Cá quý đầu nguồn
 
Được giới sành ăn ở An Lão giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Bổng, người được mệnh danh là “vua cá niên” thường trú ở thị trấn An Lão.
 
Trong tiết trời se lạnh, ông Bổng trầm ngâm bên tách trà: “Chỉ còn đúng một tháng nữa là đến mùa cá niên. Loại cá này có nhiều từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Trước đây, vào thời điểm này, tôi đã chuẩn bị đồ đạc để vào mùa khai thác nhưng giờ bỏ nghề rồi. Vả lại, cá niên giờ còn nhiều đâu để mà câu…”.
 
Cũng theo ông Bổng thì cá niên ở An Lão có nhiều nhất ở 2 khúc sông có tục danh là Cò Bay và Cổng Sâu - Cây Tràm vì ở đó có nhiều hốc đá, nước lại sâu nên những người thả lưới không thể đánh bắt được.
 
Câu cá niên thì việc chuẩn bị mồi câu rất quan trọng. Vào thời điểm tháng 11 đến tháng chạp, câu cá niên có thể dùng mồi là trùn đỏ (loại trùn chỉ). Nhưng khi bước vào tháng giêng đến tháng 2 (âm lịch) cá niên chỉ ăn duy nhất mồi bọ đá (thường nằm dưới những tảng đá dọc theo sông Vố). Từ tháng 3 đến tháng 4, cá niên lại thích ăn mồi sâu xanh (một loại côn trùng nhỏ như que tăm, thường có ở dưới các tảng đá hoặc gốc cây rù rì).
 
Ông Bổng cho biết: “Tôi câu cá niên được nhiều bởi tôi rất hiểu đặc tính của loài cá này. Cùng một khúc sông nhưng tôi câu thì có cá còn người khác thì không. Kinh nghiệm cho thấy vùng nước nào khi quan sát thấy cá niên thường chao mình trắng bụng lên ăn mồi thì chắc chắn buông câu sẽ có cá”.
 
Câu cá niên là cả một nghệ thuật và đòi hỏi sự kiên trì. Do loài cá này chỉ tập trung ở những vùng thác nước nên khi buông cần người câu phải kéo cần qua lại để cá thấy mồi, đồng thời cảm nhận được cá đã ăn mồi hay chưa. Khi cá đã ăn mồi nếu nôn nóng giật cần thì coi như hỏng.
 
Mép của cá niên vừa mỏng lại mềm nên khi giật cần mạnh tay sẽ rách mép và cá sẽ rơi lại xuống nước. Vì thế khi cá cắn câu, người câu phải để cho cá tự kéo lưỡi câu bơi vài phút, khi cá đuối sức thì mới nhẹ nhàng giật cần lên.
 
Bắt cá niên ngoài việc dùng cần câu, người H’re còn dùng “súng”. Súng bắn cá niên được làm khá đơn giản gồm: một thanh gỗ, trên đầu có buộc một giàn thun, mũi tên thường được làm từ tăm xe đạp hoặc kẽm gai.
 
Người đi săn cá niên dùng kính lặn phía dưới những thác nước và khi phát hiện cá niên thì chỉ việc “lảy cò” để giàn thun kéo mũi tên lao về phía trước và ghim vào thân cá. Ông Bổng kể: “Cá niên dạn lắm, mình lặn xuống mà nó cứ bơi lượn lờ, tới lui trước mặt mình nên rất dễ bắn”.

Các món ăn được làm từ cá niên.
 
Cá niên thưa dần
 
Không chỉ có ở An Lão, cá niên còn có ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh và những vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tuy nhiên, theo giới sành ẩm thực thì cá niên ở An Lão là ngon nhất. Ngay cả ở An Lão thì cá niên sông Vố cũng được đánh giá là ngon hơn cá niên ở sông Nước Đinh.
 
Thông thường cá niên được đem nướng, ăn chung với muối ớt và rau dớn hoặc dầm nát vào nước mắm ngon pha tỏi ớt. Người sành điệu thích nhậu cá niên nướng bóp chung với rau dớn, lá lộc vừng non cùng tợp rượu Bàu Đá. Cá niên có vị béo rất riêng và đặc biệt là vị đắng ngon ngót từ mật và ruột cá.
 
Cá niên có nét hao hao giống cá diếc, trên lưng cá niên có sọc đỏ. Cá niên chỉ sống vùng nước chảy xiết ở các thác nước. Ngay cả khi đẻ trứng, cá niên cũng đẻ giữa dòng, trứng bám vào đá đến lúc nở ra. Cá niên thường ăn các loại tảo, côn trùng bám vào đá. 
 
Khi chúng tôi hỏi ông Bổng rằng tại sao cá niên có giá như thế mà ông lại bỏ nghề câu? Ông Bổng cười buồn: “Tôi bỏ nghề không phải vì già yếu, cũng chẳng phải vì hết cần tiền mà vì cá niên bây giờ không còn nhiều. Ngày trước, mỗi lần xách cần đi câu tôi có thể kiếm được 3-4kg cá, nhà ăn không hết phải đem phơi khô để dành ăn dần.
 
Bây giờ câu cả ngày giỏi lắm chỉ được vài con. Vì giá cá niên hiện nay quá cao nên người ta không từ kiểu khai thác nào, từ thả lưới, xung điện thậm chí đánh cả thuốc nổ. Cá lớn chưa kịp sinh sôi, cá con chưa kịp lớn đã bị bắt sạch rồi”.
 
Theo chân anh Đinh Văn Tuấn, tôi làm chuyến câu cá niên ở An Hưng và được “mục sở thị” sự kiên trì của việc câu loại cá được ví von là “cá đại gia” ở vùng đại ngàn An Lão này. Công đoạn đi tìm mồi câu đã khó, việc quan sát để tìm địa điểm có cá niên để buông câu lại càng cực hơn. Anh Tuấn cho biết: “Hôm nay rảnh rỗi tôi đi câu với hy vọng kiếm vài con cá về gia đình ăn, mấy ngày trước tôi cũng đi câu cả ngày mà chẳng có con nào, cá niên ở An Lão bây giờ gần hết rồi…”.
 
Chúng tôi vào quán ăn T.M do ông M.M làm chủ và được chủ quán mở thùng đá cho chúng tôi xem, cá niên được ướp khá nhiều. Mỗi kg được bỏ trong một hộp xốp để đáp ứng nhu cầu của thực khách tại quán và cả đưa đi các tỉnh khác. Tôi hỏi: “Quán thường có cá niên không?”, ông M.M đáp: “Lúc nào cũng có, nguồn cá ở quán này chủ yếu là do những người thả lưới và xung điện cung cấp”.
 
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở An Lão đã tìm cách ngăn chặn vấn nạn dùng lưới điện để “chích” cá và cả dùng thuốc nổ để đánh bắt. Nhưng những người chuyên đi chích cá bằng xung điện vẫn không từ bỏ công việc mà chuyển sang hoạt động vào ban đêm. Rõ ràng giữa rừng núi bao la, cơ quan chức năng khó mà phát hiện, ngăn chặn được hết vấn nạn này. Vì thế, hàng ngày cá niên vẫn bị khai thác một cách không thương tiếc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Ông Nguyễn Bổng cho hay: “Ngày xưa chúng tôi câu cá thì chỉ câu được các loại cá lớn. Những con cá nhỏ vẫn tiếp tục lớn lên và sinh sôi, nảy nở. Bây giờ người ta dùng đến xung điện, thuốc nổ thì gần như là diệt tận gốc. Cá lớn không sống nổi đã đành, cá nhỏ cũng tiêu luôn”.

Cá niên đóng hộp để chuyển đi địa phương khác.
 
Tôi thử gõ cụm từ “cá niên” trên khung tìm kiếm của google đã cho ra khoảng 31,9 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến cá niên. Chừng ấy thôi cũng đủ thấy món ngon cá niên-rau dớn được “phủ sóng” đến mức độ nào và đi kèm với nó là nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
 
Hôm tôi đi công tác An Lão để tìm hiểu về cá niên, anh bạn thân dặn dò: Nghe nói món cá niên ở An Lão ngon và đặc biệt lắm, mày đi lên đó nhớ kiếm một ít về nhậu chơi nhé. Lời dặn của người bạn và những chú cá niên bé tẹo nằm la liệt trong những hộp xốp ở quán ăn T.M dồn tôi vào thế lựa chọn.
 
Xót xa cho một loại cá sắp đi vào dĩ vãng, tôi đã quyết định không mua. Đã đến lúc các cơ quan chức năng ở An Lão phải mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn khai thác cá niên kiểu hủy diệt này. Đừng để mai này những người già phải nói với đời sau rằng: Hồi ấy, An Lão mình nhiều cá niên lắm!

BÁNH ĐA CUA ĐẤT CẢNG – HƠN CẢ MỘT MÓN ĂN…


Đã đến Hải Phòng, khách du lịch, nhất là bạn bè gần xa đều muốn được thưởng thức bánh đa cua, để rồi nhớ mãi và mong có dịp thưởng thức thêm. Sao bánh đa cua lại hấp dẫn nhiều người đến vậy?
Nhớ Hải Phòng là nhớ bánh đa cua
                                                     

Bạn hãy thử lên mạng Internet, vào trang Google, gõ thử chữ “bánh đa cua” xem. Sẽ thấy hiện lên hàng trăm, hàng ngàn diễn đàn trong đó có những câu cảm nghĩ thể hiện nỗi nhớ với bánh đa cua của Hải Phòng. Người Hải Phòng đi khắp nơi, nghe nói tới bánh đa cua là có thể tưởng tượng ra địa chỉ nào bán bánh đa cua nổi tiếng, rồi từ đó, trong trí nhớ lại hiện lên màu sắc, mùi vị, những tiếng hít hà, xuýt xoa khi thưởng thức món ăn dân dã này.
Cậu bạn tôi định cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Lần nào cùng người vợ miền Nam về thăm nhà vài ngày, cậu cũng chén tì tì 3 bát đánh đa cua liền cho… đỡ nhớ. “Tớ là người ăn khỏe, nhưng ăn liền 3 bát phở hay hủ tiếu hoặc bánh canh thì chịu. Về Hải Phòng quê mình, bát bánh đa cua to thế mà cứ phải làm 3 bát mới đỡ thèm. Ngày trước ở nhà cũng vậy đấy!” - cậu bạn hì hì cười trước khi trả bát thứ hai vừa xong để đón bát thứ ba từ người bán bánh đa trên phố Trần Phú. Theo tâm sự của bạn tôi, nhiều khách đến Hải Phòng khi đã thưởng thức bánh đa cua, nhớ đến đất Cảng là nhớ tới món ăn này. Và họ cho biết chính hương vị đậm đà của món bánh đa cua này cuốn hút và trở thành ấn tượng không quên.
Món ăn ngon mắt, ngon miệng
Một bát bánh đa cua Hải Phòng bưng tới phục vụ thực khách có đủ các sắc màu bắt mắt xanh, đỏ, vàng, trắng… Những sợi bánh đa to bản màu đỏ đất ngập trong nước cua sánh vàng. Gạch cua được phu với hành củ thơm lừng, béo ngậy lóng lánh bên trên. Cùng với đó là màu đen sậm của miếng chả lá lốt, màu vàng nhạt của viên chả thịt, màu xanh mượt mà của rau muống chần giòn và dăm dọc hành lá vừa trắng vừa xanh tỉa khéo khiến thực khách chỉ nhìn đã thấy bụng sôi ầm ầm. Thêm chút đỏ của ớt tươi cắt lát hay chút tương ớt nấu khéo theo kiểu Hải Phòng (người đất Cảng gọi là chí chương) là trọn vẹn bát bánh đa như bức tranh ẩm thực đa sắc. Người ta thường nói, một món ăn thành công phải hội tụ được cả 2 yếu tố “ngon mắt” và “ngon miệng”. Bánh đa cua Hải Phòng kết hợp được cả 2 yếu tố đó. Khi nhìn thấy bát bánh đa cua lần đầu, thực khách dù chưa thưởng thức bao giờ cũng khó có thể bỏ qua.
Và ai đó từng thưởng thức, mỗi lần đến với Hải Phòng đều rủ bạn bè đến những địa chỉ bán bánh đa quen thuộc để thỏa nỗi nhớ. Có người thích ăn bánh đa cua thập cẩm, nghĩa là trong bát có chả, có tôm, thịt chân giò thái mỏng. Song cũng có người chỉ thích thưởng thức bánh đa cua với rau muống chần hoặc rau giút để được cảm nhận hương vị nguyên chất của thịt cua, gạch cua và nước cua quyện với bánh đa đỏ đậm đà rất riêng của người đất Cảng. Như lời ai đó từng nhận xét về món ăn này, bánh đa cua không chỉ là món ăn mà còn là một bức tranh đa sắc, ẩn chứa trong ấy là sự mộc mạc, chân thành khó quên của tình người Hải Phòng.
Danh sách đề cử 15 món ăn Việt gồm có: Phở - bún chả - chả cá Lã Vọng – bún thang của Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn và cơm tấm Sài Gòn, bánh cóng Sóc Trăng. Đây được xem là những món ăn chỉ ở Việt Nam mới có khi so sánh với ẩm thực các nước khu vực châu Á.
                                                            

Nét riêng văn hóa ẩm thực
Khi một món ăn trở thành nỗi nhớ, thể hiện tình cảm, tinh thần của một vùng đất, món ăn đó tạo nét riêng văn hóa ẩm thực địa phương. Bánh đa cua Hải Phòng đã trở thành một phần của văn hóa đất Cảng. Nhắc đến ẩm thực Hải Phòng, người ta sẽ nhắc ngay tới món ăn này. Ẩn trong hương vị của món ăn chính là tấm chân tình của người Hải Phòng. Từ sự kết tinh văn hóa của người dân miền biển và truyền thống ẩm thực vùng đất đầu sóng ngọn gió, bánh đa cua được thực khách ấn tượng và bình chọn vào danh sách đề cử 15 món ngon Việt nhận kỷ lục châu Á vào tháng 9 tới.
Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings cho biết, 15 món ăn trong đó có bánh đa cua Hải Phòng được chọn ra sau khi tổ chức này khảo sát hàng trăm món ăn đặc sản trên toàn quốc và khảo sát bước đầu về các món ăn từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á. Vượt qua hang trăm món ăn khác của Việt Nam để được chọn vào danh sách này, bánh đa cua Hải Phòng cùng 14 món ăn trong cả nước chính là những đại diện ẩm thực quốc gia, kết tinh từ văn hóa ẩm thực của các vùng miền trong cả nước. Kết quả này chính là sự khẳng định nét riêng của văn hóa ẩm thực đất Cảng ẩn trong mỗi bát bánh đa cua, như tình cảm đậm đa của người đất Cảng luôn mở rộng vòng tay đón du khách khắp nơi về với thành phố.
Đến với Hải Phòng, du khách có thể tìm thấy hàng bán bánh đa cua ở nhiều nơi. Vỉa hè phố lớn hay các ngõ nhỏ, đường ngách, khu dân cư… Hệ thống các nhà hàng, khách sạn đều có bánh đa cua phục vụ du khách. Một số hàng bánh đa cua thu hút đông thực khách: tại ngõ cạnh Công ty Điện lực trên đường Minh Khai, cổng Trung tâm Da liễu trên phố Trần Phú, trên đường Phạm Ngõ Lão, ngõ Lê Quýnh trên đường Điện Biên Phủ, đầu đường Đà Nẵng giáp ngã Sáu mới đối diện sân vận động Máy Tơ… bánh đa cua thập cẩm có giá 15.000 – 20.000 đồng/bát, bánh đa cua mộc 10.000 đồng/bát.
Linh Chi

BỀ BỀ RANG MUỐI


Bề Bề (người miền Nam hay gọi là tôm tít hay bọ ngựa biển) là món hải sản khá đặc trưng tại Cát Bà. Tại đây có nhiều nhà hàng chế biến được món ăn từ bề bề, nhưng tại khách sạn Hướng Dương 1 (đường Núi Ngọc), bề bề được các đầu bếp tài hoa ở đây chế biến theo kiểu riêng biệt đan xen nghệ thuật. Đó là món bề bề rang muối.
Khi người phục vụ mang đĩa bề bề óng ánh béo ngậy, thơm phức, ai cũng muốn thưởng thức ngay.
Bề bề tại Cát Bà có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống, để khi chế biến xong, thịt còn nguyên, không dập, vỡ và tạo nên hương thơm đặc trưng.
                                                  
 Là món rang muối nhưng chao dầu (hoặc mỡ) để tạo vị ngậy món ăn này không thể thiếu, do đó khi nhiền thấy đĩa bề bề rang muối, những người lần đầu thưởng thức sẽ cảm nhận như mình đang được ăn món rán. Món ăn này chế biến khá cầu kỳ bao gồm các loại gia vị như: sả, dầu, muối, tiêu… song để cho món ăn này đạt đến độ thơm ngon thì phải có nghệ thuật dùng lửa nên không phải bếp nào cũng có thể rang được bề bề. Khi rang chín, bề bề phải đạt độ thơm, dai và ngậy.
 Bề bề rang muối đã ngon, nhưng nếu tìm được những con đang ôm trứng mà rang muối thì càng tuyệt vời. Khi ăn, người phục vụ sẽ giúp bạn cắt vây bên cạnh, chỉ cần đưa chiếc đũa vào dọc sống lưng con bề bề đã cắt vây, lột nhẹ là cả mảng vỏ sẽ bong ra, chỉ còn lại miếng thịt thơm ngon. Món năn này đồ chấm phù hợp nhất là tương ớt. Chấm miếng thịt bề bề vào đĩa tương ớt, đưa lên miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon, ngọt và cay cay nơi đầu lưỡi, thật thú vị.
 Nếu đã đến Cát Bà, bạn hãy thưởng thức món ăn độc đáo này của khác sạn Hướng Dương 1 xem sao. Bạn sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà khó quên của biển Cát Bà và tấm thịnh tình của người dân nơi đây.